Nhà cao cửa rộng he...he...

Blog

03/06/2012 08:39

Hãy thả thêm muối vào biển của tôi.

Trung Dũng

 

Tôi hòa nước muối đổ đầy chiếc thau nhôm

Thả vào đấy những hình nhân bằng gốm

Thổi căm giận cho ngút lên thành sóng

Rồi khóc tràn ký ức biển Đông.

“Ơi biển VN, ơi sóng VN…”

Sóng rờn rợn dưới thân tàu giặc Hán

Tiếng chuông chùa từ Tung Sơn thăm thẳm

Vọng âm hồn trên trời biển nước tôi.

 

Mẹ  thả thêm muối vào biển của tôi

Bằng nước mắt năm 74, 78

Anh hắt thêm muối vào biển của tôi

Bằng ánh trừng trừng tháng 2-79.

Người biểu tình đến bên biển của tôi

Xát muối lên những mảng da bầm tím

Bịt chặt khẩu trang hát thì thầm trong quán

Giữa những giọt cà phê mai phục xung quanh.

 

Người mặc áo phao đến bên biển của tôi

Đạp thẳng mặt những hình nhân bằng gốm

Sóng sủi bọt đỏ ngầu mùi tanh tởm

Sóng ầm ào vả vào mặt tôi.

 

Chị thả thêm muối vào biển của tôi

Em thả thêm muối vào biển của tôi

Người đi đường thả thêm muối vào biển của tôi

Đám ngư phủ thả thêm muối vào biển của tôi

Rồi bật khóc những trùng khơi xa vắng

Đừng có khóc,

Hãy thả nhiều muối vào cho biển tôi mặn đắng

Để chất xác cá tràng kình chắn sóng Hoa Nam.

 

Vợ  tôi đan những chiếc áo tý hon

Mặc vừa vặn cho đoàn binh bằng gốm

Chiếc thau nhôm chợt phong ba bão lớn

Dâng trùng trùng ngàn đợt sóng Biển Đông.

20.5.2012

18/09/2009 15:42

Thơ Nguyễn Thanh Mừng (Bình Định)

 

Những Na-ta-sa, Na-ta-li-a, To-nhi-a, Ta-nhi-a…của nước Nga chắc chắn là những cô nàng đài các, mảnh khảnh, dịu dàng… còn các bà có tên Pháp-lốp-na, Ôn-ga-phốp-pháp-na chắc chắn sẽ to cao, nung núc, đít thúng he…he…

Tếu táo chút cho vui nhân đọc một bài thơ hay, nghiêm túc của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng viết cho một nàng duyên dáng tận Liên Xô.

 

Nguyễn Thanh Mừng

 

TÔ NHI A

 

Tô-nhi-a ơi, quên sao được,  ngày xưa

Nụ cười giữa tuyết trong

Lọn tóc mầu hạt dẻ

Tôi thầm gọi tên em từ  cánh đồng Đông Á

Bên rạ rơm nhiệt đới nồng nàn

 

Em mở cửa nhón gót trên  đường hoa tử lan

Tôi hồi hộp cùng em

Dõi theo buổi sáng Nga đôi mắt xanh đẫm ướt

Đôi mắt ấy khó hiểu nhìn tôi cậu học trò thôn quê bước ra trước giảng đường đại học

Phê phán em tiểu tư sản thị thành

 

Trang khoá luận xủng xoảng mở đầu bằng lập trường vô sản trung trinh

Những dầu mỡ ốc vít cu- roa vang rền mệnh đề mỹ học

Dưới cành liễu bên hồ em đọc sách

Chúng ta đặt giữa cuộc gặp nhau một tiếng thở dài

 

Tôi tìm cách  chứng thực lý lịch thành phần bần cố nông  man khai

Chạy chọt chính quyền địa phương xoá bỏ mọi liên hệ xuất thân địa hào trí phú

Đành  lưu vong khỏi rộc gò hương hoả

Em  nhún vai kiêu hãnh bên trời

 

Em vẫn không chối từ cố đô Đại Nam trầm tư mặc tưởng của tôi

Thư viện đêm giá rét

Khép nép cạnh Thực lục, Chính biên, Tiền biên, Quốc triều hương khoa lục

Cạnh một người luôn nghĩ đến em, lại buộc phải vạch vòi những tiểu thư cành vàng lá ngọc

Thiếu sắn lát mì sợi bo bo,  thiếu quan điểm bùn lầy

 

Em nhíu mày  nhìn cuộc  phân tích cổ vũ những quận chúa công nương quay ra đẩy ba gác xích lô chăn gia súc trồng cây

Kiểm thảo mùi nước hoa hạ bệ giọng trữ tình quyền quý

Chiếc hài nàng Lọ Lem và đêm vũ hội

Thay bằng buổi  đấu tố  thét gào rầm rập tiếng dép râu

 

Em chật vật ghé theo phóc-ba-ga cà rịch cà tàng cuộc diễn tập dưới vòm trời chữ nghĩa hanh hao

Xuống ruộng lý luận giáo điều lên bờ thực đơn bao cấp

Khẩu phần  sinh viên những “nước mắm đại dương” những “canh toàn quốc”

Những chuyến nhồi nhét kinh hoàng trong tàu chợ, xe than

 

Em kín đáo  trao tôi chiếc chìa khoá bí ẩn khu vườn hoa tử lan

Cố vượt lên mùa đông tàn tạ

Gìn giữ  một  áng mây  phiêu bồng  khung cửa sổ xứ bạch dương

Cơn bão tuyết đi qua, còn lại  bóng sồi trên mặt hồ trong veo  lắng nghe đôi sếu đầu mùa đồng hành chung nhịp thở

Huế của sen hồ Tịnh Tâm của thông đồi Thiên An của trúc thôn Vỹ Dạ

Cứ thâm trầm thay mọi biện minh

 

Em lặng lẽ dõi về quê nhà tôi từng quá nhiều cuộc xâm lăng, quá nhiều phiến loạn quá nhiều hình tích  đạn bom

Nơi tôi thầm gọi tên em trong bi hùng lịch sử

Có một chiều Đông Á

Một lưng trâu tôi áp sách bên lòng

Em trỏ ngón tay  chặn làn môi suýt véo von giữa cuộc

hẹn hò bằng hai từ đồng chí

Trong đôi mắt thăm thẳm xanh lọn tóc mầu hạt dẻ

Một thế giới  yên hàn, một diệu vợi cảm thông

 

N.T.M

 

 

 

 

20/06/2009 17:39

Một bài thơ hay, rất hay

Bài hát

Raxun Gamzatov

 

Trên đời này chỉ có ba bài hát

Đủ nói hết buồn vui thế giới tâm hồn

Hay hơn cả là bài ca thứ nhất

Bà mẹ ngồi khe khẽ hát ru con.

 

Bài hát thứ hai cũng là bài của mẹ

Khi con trai mẹ chết, cánh tay già

Ôm xác con hát một mình lặng lẽ

Tất cả các bài khác trên đời là bài hát thứ ba.

16/06/2009 19:49

Thiền sư Nhất Hạnh

Giấc mơ Việt Nam

Này người bạn trẻ, tôi muốn mời anh, tôi muốn mời chị tham dự vào một giấc mơ, tôi tạm gọi giấc mơ ấy là Giấc Mơ Việt Nam

Giấc mơ Việt Nam là có một nước Việt Nam thật đẹp, thật hiền, chơi chung với các nước Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Myanmar, với Hàn Quốc và Nhật Bản, và sau đó, với cả Trung Quốc, một cách thân ái trong tình huynh đệ, dân chúng các nước qua lại không cần chiếu khán, và tất cả sử dụng một đồng bạc chung.

Giấc mơ Việt Nam là dân tộc Việt Nam biết để thì giờ ra để đi chơi, ngồi chơi, leo núi, đi biển, sống với cảnh đẹp thiên nhiên, hàng ngày có nhiều cơ hội dựng xây tình huynh đệ mà không để hết thì giờ chạy theo sắc dục, tiền bạc, quyền hành và danh vọng.

Giấc mơ Việt Nam là trẻ em và người lớn đều ý thức được rằng đất hứa, thiên đường hay cõi tịnh độ là cái đang có mặt đích thực trong giờ phút hiện tại, và ta phải biết và phải có khả năng thích ý rong chơi.

Giấc mơ Việt Nam là người Việt có khả năng sống đơn giản mà hạnh phúc, có thì giờ và tình thương để làm việc giúp cho người trong nước và ngoài nước vượt thắng nghèo khổ, bệnh tật, thất học, hòa giải được với người thân và tìm được nguồn vui sống.

Giấc mơ Việt Nam là sông, núi, rừng, biển và ruộng vườn của chúng ta được bảo vệ an lành để chúng ta và con cháu chúng ta cũng như thế giới cũng được bảo vệ an lành và để cho mọi người được tiếp tục thừa hưởng tất cả những gì hùng vĩ, cẩm tú và giàu sang của đất nước này.

Giấc mơ Việt Nam là những người Việt sống trong một nước có quyền tin theo bất cứ một tôn giáo, một chủ thuyết nào, nhưng tất cả đều thấy được rằng không có tôn giáo và chủ thuyết nào cao hơn tình huynh đệ, cao hơn lòng cởi mở và lượng bao dung, và bất cứ ai cũng học được và thừa hưởng được những châu báu của các truyền thống và quan điểm khác để làm giàu cho tuệ giác và hạnh phúc của mình.
Giấc mơ Việt Nam là các quốc gia lân cận, kể cả Trung Quốc, biết thương mến và thưởng thức cái đẹp và cái dễ thương của đất nước, văn hóa và con người Việt Nam mà không còn có ý muốn xâm chiếm và giành giật nhau, tại vì người Việt đã học được cách bảo vệ sông núi, văn hóa và con người của mình bằng nếp chung sống hòa bình, bằng tình huynh đệ, bằng tài ngoại giao, bằng nếp sống tương trợ với các nước chung quanh mà không tin rằng chỉ có vũ khí và quân sự mới làm được chuyện ấy.

Thiền sư Nhất Hạnh
Trích
Giấc mơ chung của chúng ta

 

12/05/2009 14:53

Tây Nguyên ơi !

Cảnh 1.

Triền dốc, mặt trời hồng, ánh sáng ngược …

 

Lưa thưa lũ người lủi thủi về kinh

Con voi già màu đỏ

Dòng thác cuồn cuộn đỏ

Ào ào tiết canh trên mái nhà dài.

 

Lũ trẻ được nhuộm son

Đại ngàn rực màu lá cam

Tượng nhà mồ bị trúng tên tẩm độc

Mắt sơn nữ chảy tràn nham thạch

Con chào mào chết khô bên chiếc ca nhôm

 

Lũ làng đi

Theo dấu chân chồn cáo

Theo tiếng cồng chiêng vọng từ những đoàn tàu

(bỏ neo ngoài hải phận chưa biết của nước nào)

 

Đàn người đổi rượu cần thay áo.

 

Cảnh 2.

Mươi năm sau, bãi biển, mặt trời lên, sóng màu mận chín…

 

Những quái thai trườn, bò trên cát

Chúng giành nhau vỏ ốc

Giành nhau từng bãi cứt

Cô y tá ghi vào bệnh án

“Nhiểm độc dioxin không sinh sản loại này”.

Mẹ ngồi à ơi

“Muối đắng, gừng cay”

 

Cảnh 3.

Bắc Kinh, phòng triển lãm, ánh sáng nhân tạo…

 

Những chiếc gùi được gắn mác China

Ché rượu cần, cồng chiêng, đàn đá… đều gắn mác China

Ở giữa nhà rông treo trang trọng hình Mao chủ tịch

Người thuyết minh tự hào về dòng tộc

Tiếp thị bài thuốc của cụ cố Ama Kông và hảo hảo luôn mồm.

Những chiếc loa Trung Quốc véo von:

“Chú voi con ở bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ con

Từ rừng già chú đến nơi này, vẫn ham ăn với lại ham chơi…”

Khuất sau lối đi

Một chú vệ binh đang bịt mắt bức tượng Đam San

Vì sợ Tử Cấm Thành bị hỏa thiêu dưới ánh trừng trừng của đôi mắt lửa.

 

Cảnh 4.

Tây Nguyên Việt Nam, đoàn khảo cổ, tiếng ngộ, nị xì xầm…

 

Dưới những chiếc hố sâu chưa đến 60 phân

Lẫn vào những cổ vật bằng đất nung là mảnh vỡ bình trà thời Đường thời Tống

Móng ngựa Nguyên Mông và đĩnh đồng đời Hán…

Một chú reo to: “Đây đích thị đất Tàu”

 

Tây Nguyên ơi !

Cột mốc đã dời sâu.

 

Trưa 12.5.09

Trung Dũng

11/05/2009 17:15

Một bài thơ hay

2009-05-11 16:46

Nguyễn Hữu Nhật là ai mình không biết, ông còn sống hay chết mình cũng không biết, ông địch hay ta mình không quan tâm.

Hôm nay lên mạng gõ chữ nguyendinhtoan để tìm nguyên bản bài thơ Anh đến thăm em đêm 30, tình cờ bắt gặp Người Tù Già Kể Chuyện Mình của Nguyễn Hữu Nhật qua lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn, đọc xong thấy có con gì nhảy nhót trong lòng như thời trẻ đọc Từ Ấy và Ta Đi Tới của Tố Hữu vậy.

Theo nhà văn Nguyễn Đình Toàn, Người Tù Già Kể Chuyện Mình chưa được đăng bao giờ, tác giả của nó cũng câu còn câu mất, bản dưới đây chép lại theo trí nhớ (mấy mươi năm rồi) của Nguyễn Đình Toàn.

Xin mọi người đọc bài này như một bài thơ hay, buồn, ngay thẳng và khát tự do.

Nếu không thích, cho qua, đừng phân biệt giới tính, tôn giáo, chánh tà…tội nghiệp.

 

Người Tù Già Kể Chuyện Mình

NGUYỄN HỮU NHẬT

 

Anh chị em ơi
Năm nay tôi gần bảy chục
Bị tù vì yêu tự do
Tự do
Tự do
Tự do

Nhắc mãi trở thành nhàm chán
Nhưng lòng vẫn muốn hô to
Tự do
Tự do
Tự do

Anh chị em ơi
Ðừng hỏi vì sao tôi gầy
Ðôi mắt vẫn là cửa sổ
Mở ra một hồn đắng cay
Cơm ăn mỗi bữa đếm từng hạt
Mộng lớn đêm nào cũng gối tay

Không có ăn thì người ta ngắc ngoải
Không có không khí người ta chết ngay
Không có tự do người ta vẫn sống
Nhưng đời ngựa kéo trâu cầy

Tôi không phải là con tắc kè đổi sắc
Ở gần cây lá thì xanh
Bò trên mặt đất lại đỏ
Giống y như cỏ đuôi chó
Gió chiều nào ngả theo chiều ấy
Còng lưng uốn lưỡi
Sao cho người gật đầu khen ngoan

Tôi cũng chẳng phải là giò lan
Chịu dãi dầu gió sương để thơm ngát hương
Tôi chỉ là người thích ăn cơm
Tôi chỉ là người thích mặc áo
Cơm áo do mình làm ra
Không quỳ không lạy người ta
Ðể áo cơm mình no ấm

Hạnh phúc không phải là người
Cúi hôn chân ai
Ðể được một chút cơm thừa canh cặn
Tôi chỉ muốn làm một ông già
Muốn ho lúc nào thì ho
Tôi không muốn được ăn no
Mà thấy người ta mình chẳng dám ho
Tự do
Tự do
Tự do

Anh chị em ơi
Không hiểu vì sao
Tự nhiên tôi muốn sống
Sống cho ra sống
Còn bây giờ chỉ là tồn tại
Sống mà như chết chưa chôn

Mỗi ngày tuổi già sức yếu
Run chân tay
Ði đứng không ngay
Nhưng tôi hiểu thế nào là sự thẳng thắn
Tự do
Tự do
Tự do

Cái quyền không ai có quyền chiếm đoạt
Cần hơn cả hơi thở
Cần hơn cả hột cơm
Nếu không
Tôi chỉ là con vật

Anh chị em ơi
Tôi xin nói thật
Ðâu phải vì già quá mà tôi không sợ chết
Bất cần đời

Tôi thương nhà tôi lắm
Nước mắt chỉ muốn rơi
Tôi yêu căn phòng
Ở đấy nhà tôi thường nằm khóc
Rồi những tiếng khóc khác vang lên
Tiếng khóc giận hờn của người đàn bà
Ðành yên lặng
Nhường chỗ cho con cháu khóc
Khóc chào đời
Khóc nhớ người
Thương Chúa bị đóng đinh vì người

Anh chị em ơi
Tôi không đủ chữ nghĩa
Nên thư nào gửi nhà tôi cũng ngắn
Mình cứ tin tôi
Nơi nào có thể đứng được thì không ngồi
Nơi nào có thể đi được thì không đứng
Hãy đứng dậy anh chị em ơi
Làm việc tốt không bao giờ muộn cả
Hãy bay đi về phía mặt trời
Bằng trái tim ta rực lửa

Vấn đề không phải là can đảm
Mà vì mục đích làm cho ta can đảm
Nếu mục đích không xứng đáng
Thì sự can đảm chỉ làm cho người ta kinh ngạc
Thay vì khâm phục

Anh chị em ơi
Làm sao chúng ta có thể trả lời cho con cháu
Ngày mai
Về một câu hỏi rất giản dị
Sống để làm gì?
Nếu chính chúng ta hôm nay
Không biết làm gì để sống



Ðất nước chúng ta vốn là một chiếc nôi
Nơi mà mọi lòng hòa thuận đều vui sống
Tại sao hôm nay chúng ta không được sống
Khóc hay cười
Câm hay nói
Ðều theo lệnh một vài người
Anh chị em ơi
Im lặng lâu dần hóa ra ngu
Gần bảy chục năm nay tôi đã im lặng
Tưởng im lặng là khinh bỉ
Có biết đâu vì sợ hãi nên câm
Vì cầu an tôi đã xoay lưng lại sự thật
Làm ra vẻ đạo đức khinh đời
Giữa lúc người ta cố tình gieo sương mù vào trí tuệ con người
Ðang bị cảnh túng thiếu cô đơn đè nén
Trùm lên đầu con người những mắt xích
Của sự dốt nát
Sống bằng sợ hãi
Ðể phục tùng tội ác

Anh chị em ơi
Có đêm anh bạn kể chuyện
Nói về ông Ma-ki-a-ven, a - viết gì đó
Bảo: Khi người ta chặt đầu người
Cái đầu còn quay lại cám ơn mãi không thôi
Thế mới là làm chính trị
Tôi ít học quá nên không kịp suy nghĩ
Lòng bỗng đau như người cha nghe tin con gái
Phải làm đĩ để nuôi em
Ðã có bao nhiêu người như thế nhỉ?
Cám ơn ma quỷ đời đời

Có thể không bao giờ tôi mở
Nhưng căn phòng của tôi phải có cửa sổ
Có thể tôi không dùng đến
Nhưng đời tôi phải có tự do
Tự do
Tự do
Tự do
Hãy bắt đầu bằng việc
Không để ai suy nghĩ giùm mình

Anh chị em ơi
Tôi còn một điều nữa thôi
Chúng ta bực mình khi thấy người khác lục lọi đồ đạc của mình
Có lý nào chúng ta lại làm thinh
Khi người ta lục lọi một thứ
Quý hơn cả đồ đạc
Quý hơn cả tự do
Ðó là tâm hồn con người!
Tự do
Tự do
Tự do

Tại sao tôi lại khóc
Có phải vì củ sắn nướng chiều nay
Chưa kịp chín
Mà lòng đói quá cứ bâng khuâng
Hay nỗi nhớ thương bạn bè
Ðã làm khổ tôi cả buổi chiều nay
Khi đi qua vũng lội
Thấy bóng tóc mình mây trắng bay

Phải nói cho con cháu biết
Phải nói cho con cháu hay
Tự do hay là chết
Chết hay là tự do.


Nguyễn Ðình Toàn
(Chép theo trí nhớ)

 

Trên đường tìm gốc rễ bài thơ này, nhặt thêm được vài đoạn nghe cũng có hơi tuyên huấn, bèn nối đuôi luôn:

"Đêm Bình Dương, rượu chưa tàn,
Người nông dân giận, đập bàn, nhắc tôi:
Đã không nuôi nổi con người,
Như hoa, thơ phải giúp đời bớt đau."

NHN

"Cỏ bồng lìa gốc hết xanh
Gió tây thổi mạnh tàn nhanh một đời
Nghĩ cho cùng tận lẽ trời
Gian truân là cốt cách người tài hoa
."

Cỏ Bồng - NHN

 

11/05/2009 17:01

Toàn dân Nghe chăng? Sơn hà nguy biến!

Lưu Hữu Phước là một trong những tác giả lớn của nền tân nhạc Việt Nam.
Ðặc biệt, cũng như Ðỗ Nhuận, ông không viết một bài tình ca nào.
Suốt cuộc đời sáng tác của ông, Lưu Hữu Phước đã dành để ngợi ca lòng ái quốc, lịch sử bi hùng, thúc đẩy mọi người, nhất là tuổi trẻ, lên đường đấu tranh cho nền độc lập, tự do của dân tộc, của đất nước.
Các ca khúc như Ải Chi Lăng, Hội Nghị Diên Hồng, Bạch Ðằng Giang, Kinh Cầu Nguyện Hai Bà (Hồn Tử Sĩ), Lên Ðàng, Tiếng Gọi Thanh Niên... cho đến nay, vẫn là niềm hãnh diện của tân nhạc Việt Nam.
Nhiều thế hệ người Việt đã được ông “vỡ lòng” cho tình yêu tổ quốc, yêu lịch sử, yêu đất nước.
Nhạc Lưu Hữu Phước đã truyền vào máu các thanh thiếu niên các tình thiêng liêng ấy dễ dàng và tự nhiên hơn bất cứ bài học luận lý hay công dân giáo dục nào.
Ngay từ khi còn ở bậc tiểu học, tại biết bao trường ốc, các thiếu nhi đã thay nhau lấy tơ dứa, tơ đay làm râu bạc, khòm lưng, chống gậy, đóng vai các bô lão đi dự Hội Nghị Diên Hồng.
Hình như các em đã cảm nhận ra thân phận người dân “thế nước yếu” và ý nghĩa cao cả của hai chữ “hy sinh” khi miệng hát ra những tiếng ấy.
Ðây là một trong những bài hát đáng lẽ phải được ghi vào chương trình giáo dục như những bài học thuộc lòng.

(Trích giới thiệu của nhà văn Nguyễn Ðình Toàn)

Hội Nghị Diên Hồng

Nhạc: Lưu Hữu Phước    Lời : Việt Tiên


Toàn dân! Nghe chăng? Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển
Tuông giày non sông rền vang tiếng vó câu
Gây oán nghìn thu
Toàn dân Tiên Long! Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Nên hòa hay chiến?
Diên Hồng tâu lên cùng Minh đế báo ân
Hỡi đâu tứ dân!
Kìa vừng hồng tràn lan trên đỉnh núi
ôi Thăng Long! Khói kinh kỳ phơi phới
Loa vang vang, chiếu ban truyền bốn hương
Theo gió bay khắp miền sông núi réo đời.
Lòng dân Lạc Hồng nhìn non nước yêu quê hương
Giống anh hùng nâng cao chí lớn
Giống anh hùng đua sức tráng cường.
Ta lên đường lòng mang tâu đến long nhan
Giòng Lạc Hồng xin thề liều thân liều thân!
Đường còn dài
Hờn vương trên quan tái
Xa xa trông áng mây đầu non đoài
Trông quân Nguyên tàn phá non sông nhà
Đoạt thành trì toan xéo giày lăng miếu
Nhìn bao quân Thoát lấn xâm tràn nước ta
ôi sông núi nhà rền tiếng muôn dân kêu la
(Hỏi) Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
(Đáp) Quyết Chiến!
(Hỏi) Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?
(Đáp) Quyết Chiến!
Quyết chiến luôn
Cứu nước nhà
Nối chí dân hùng anh
(Hỏi) Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
(Đáp) Hy Sinh!
(Hỏi) Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?
(Đáp) Hy Sinh!
Thề liều thân cho sông núi
Muôn Năm Lừng Uy!

 

 

 

05/05/2009 20:04

Còn vang vọng

Hồi Bành trướng Bắc kinh tràn qua biên giới tàn phá, chém giết, hãm hiếp đồng bào ta ở các tỉnh biên giới phía bắc, tháng 2 năm 1979, mình mới 14 tuổi.

Tối hôm chiến cuộc xảy ra, ba Bảy Trà của mình từ bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thuận Hải về nhà, mặt đằng đằng, vội vàng chuẩn bị quân trang, súng ống… giống như sáng mai ông phải ra trận vậy.

(Hình như không cơm nước gì thì phải) Ông ôm mandolin và viết một mạch bài hát dưới đây, sáng hôm sau ông mang lên ngay cho đoàn văn công hát và vài ngày sau bài hát này cùng bài Chiến đấu vì Độc lập, Tự do của nhạc sỹ Phạm Tuyên liên tục vang lên trên đài tỉnh, trong các công sở, doang trại bộ đội...

Mình lúc này đã học vẽ (3 năm) nên ba dẫn mình theo lên sân vận động cùng bộ đội vẽ tranh cổ động, làm hình nộm Đặng Tiểu Bình, cắt dán khẩu hiệu xỉ vả, nguyền rủa bọn Bành trướng và kêu gọi lòng yêu nước của nhân dân…

30 năm rồi mà mình vẫn nhớ như in khí thế rừng rực của buổi mít tinh ấy khi mấy chú bộ đội châm lửa đốt hình nộm Đặng Tiểu Bình (mình được ba phân công vẽ cái mặt thớt cho hảo tồng chí ấy đấy.)

 * Hôm anh em biểu tình vì Hoàng Sa, Trường Sa, mình ngồi quán hát vang lừng 2 bài này, sau đó nhờ ba chép nhạc lại theo trí nhớ (đương nhiên phần lời thì mình thuộc làu) chỉ có điều do lâu quá nên ba mình quân mất cái đầu đề, cái Sát thát dưới đây mình tạm đặt vậy.

 *Ngoài 2 bài hát này, mình còn thuộc khoảng mươi bài hát khác viết về cuộc chiến ngày ấy. Nếu ai có nhu cầu, mình xin hát tặng không cần cát sê he…he…

 

 

Chiến đấu vì Độc lập, Tự do

 

Phạm Tuyên

 

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới
Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới
Quân xâm lược bành trướng dã man đã dày xéo mảnh đất tiền phương,
Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp giải biên cương.

Đất nước của ngàn chiến công, vẫn sục sôi khí thế hào hùng
Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa đang gọi tiếp thêm những bản hùng ca.

Việt Nam, ơi nước Việt yêu thương!
Lịch sử đã trao cho Người một sứ mạng thiêng liêng.

Mang trên mình còn lắm vết thương
Người vẫn hiên ngang ra chiến trường
Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: Độc Lập, Tự Do.

 

 

Sát thát

 

Bảy Trà

 

Lời 1:

Súng vang phía trời xa dục ta lên đường

Núi sông mất còn ôi lửa máu đau thương

Sát thát ngàn xưa nay còn vang vọng

Đằng Giang oai linh quân thù khiếp sợ

Giữ vững biên cương tươi đẹp Việt Nam này.

 

Đi ta đi bất cứ nơi đâu tổ quốc cần dù nguy khó

Ngại ngùng chi biên giới xa xôi biển khơi đầu sóng gió

Còn một tên giặc cướp trên quê hương

Thì toàn dân thề giết lũ xâm lăng

Súng chắc tay ta cùng đi anh em ơi.

 

Lời 2:

 

Lắp lê rửa hờn căm diệt quân bạo tàn

Phá tan ý đồ quân Bành trướng Bắc Kinh

Đất nước dạy ta không hề chịu nhục

Ngàn năm cha ông không hề khuất phục

Như đá hoa cương như lửa đã thử vàng.

 

Đi ta đi bất cứ nơi đâu tổ quốc cần dù nguy khó

Ngại ngùng chi biên giới xa xôi biển khơi đầu sóng gió

Còn một tên Bành trướng trên quê hương

Thì toàn dân giệt hết lũ xâm lăng

Súng chắc tay ta cùng đi anh em ơi.

 

05/05/2009 18:29

Nam quốc Sơn hà

Hội nghị Bình Than

 

Hội nghị Bình Than là hội nghị quân sự do vua Trần Nhân Tông triệu tập vào năm 1282 để bàn phương hướng kháng chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Namlần thứ hai.

Hội nghị Bình Than được tổ chức vào tháng 10 năm 1282 ở làng Bình Than, tổng Vạn Ti, vùng đất ngày nay là Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Nơi họp có tính cách bí mật vì cần tránh tai mắt của bọn gián điệp đối phương. Vào thời Trần, con sông Thương cũng có tên là Bình Than.

Đây là hội nghị của những người nắm giữ trọng trách lãnh đạo sự nghiệp giữ nước và chỉ bàn hai vấn đề thiết yếu nhất: đó là xác định phương hướng chiến lược chống xâm lăng và tổ chức bộ máy chỉ huy chống xâm lăng. Ở hội nghị Bình Than, vua Trần Nhân TôngThượng HoàngTrần Thánh Tông đã quyết định trao quyền Tổng chỉ huy quân đội cho Trần Quốc Tuấn, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư làm Phó đô tướng quân.

Trần Khánh Dư tuy trước đó có công, nhưng vì thông dâm với công chúa Thiên Thuỵ, vợ của Hưng Vũ Vương Nghiễn, con trai Trần Quốc Tuấn, nên bị đoạt hết quan tước, tịch thu tài sản. Trần Khánh Dư về ở Chí Linh làm nghề bán than. Lúc vua Trần tới bến Bình Than, Khánh Dư đội nón lá, mặc áo ngắn ở trên một chiếc thuyền lớn chở than củi. Vua Trần thấy vậy cho mời vào.

Chính tại hội nghị này, Trần Quốc Toản vì quá trẻ tuổi nên không được dự đã bóp nát quả cam đang cầm trong tay rồi về tập trung hơn một nghìn gia nô, thân thuộc tham gia kháng chiến với lá cờ thêu 6 chữ vàng: "Phá cường địch, báo hoàng ân" .

 

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

05/05/2009 18:15

Nam quốc Sơn hà

Hội nghị Diên Hồng

Năm 1284 Thượng hoàng Trần Thánh Tông vời các bô lão trong cả nước để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ 2.

Hội nghị được tổ chức trước thềm điện Diên Hồng vào tháng chạp năm Giáp Thân 1284. Khác với hội nghị Bình Than trước đó, hội nghị Diên Hồng không bàn đến chiến lược, chiến thuật quân sự mà chỉ bàn: nên đánh hay nên hoà.

Hội nghị Diên Hồng được xem như hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các bô lão được xem như là những đại biểu của dân. Sau hội nghị, chính các phụ lão là những người truyền đạt lại chủ trương của chính quyền đến người dân.

Nhà sử họcNgô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư:

 

Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão điều nói "Đánh"

Muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng.

"Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy."

 

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

 

Search site

New list

This list is empty.

Trung Dũng © 2008 All rights reserved.

Make a free websiteWebnode